Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Sổ xanh, sổ trắng, sổ đỏ, sổ hồng, được pháp luật quy định thế nào?

Hiện nay, nhiều người nhầm lẫn giữa các khái niệm quy định về nhà, đất như: sổ xanh, sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng. thiết kế website bất động sản xin được chia sẻ một số thông tin về những khái niệm này và tính pháp lý của từng loại sổ như sau:




- “Sổ xanh” là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Lâm trường cấp để quản lý, khai thác và trồng rừng có thời hạn (hình thức là cho thuê đất), khi hết hạn thì có thể bị Lâm trường thu hồi nếu như địa phương đó chưa có chính sách giao đất cho người dân. Có một số trường hợp, Lâm trường chỉ cho thuê đất nhưng người sử dụng không được phép chuyển nhượng thì sẽ không thể chuyển sang “Sổ đỏ” được. 

- “Sổ trắng” được cấp theo quy định tại Nghị định số 02/CP ngày 04/01/1979 của Hội đồng Chính phủ về ban hành điều lệ thống nhất quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, thị trấn và Pháp lệnh nhà ở ngày 26/3/1991 của Hội đồng Nhà nước trong đó diện tích đất được cấp căn cứ theo hồ sơ và các giấy tờ liên quan của người sử dụng đất được UBND xã, phường, UBND huyện, thị xã xác nhận thì diện tích đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là ghi nhận hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Như vậy, diện tích đất được ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà có thể xem là chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính.

Sổ trắng hiện nay có rất nhiều loại: Giấy được cấp trước 30/04/1975 có Văn tự đoạn mại bất động sản, Bằng khoán điền thổ; Giấy được cấp sau 30/04/1975 có giấy phép mua bán nhà, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận (hoặc quyết định) của UBND cấp huyện công nhận quyền sở hữu nhà ở… Theo Nghị định số 84/2007NĐ-CP ngày 25/05/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai, bắt đầu từ 01/01/2008, những loại giấy trắng nếu muốn giao dịch thì mới phải đổi qua giấy hồng (đối với các loại giấy trắng về nhà và đất), giấy đỏ (đối với các loại giấy trắng về đất). Những giấy trắng sau thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị pháp lý về nhà - đất. 

- "Sổ đỏ" là mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trước năm 2009, có bìa màu đỏ, với nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất: có thể là đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, vườn, ao, đất rừng… nên mẫu này có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Theo quy định của Luật đất đai năm 2013: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.

- "Sổ hồng" là mẫu do Bộ Xây dựng ban hành, bìa có màu hồng với nội dung là ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nên mẫu có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Theo quy định của Luật nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở được cấp cho chủ sở hữu".

Điều 97 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

"1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này".

Như vậy, "sổ trắng ", "sổ đỏ" hay "sổ hồng" đều là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc quyền sở hữu nhà ở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Thực tế, hiện nay vẫn đang lưu hành cả 03 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cả 03 đều có giá trị pháp lý như nhau. Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức đang sử dụng "sổ đỏ" và "sổ hồng" nếu được cấp trước ngày 10/12/2009, mẫu giấy này vẫn được Nhà nước thừa nhận giá trị mà không buộc phải thay đổi trừ khi có nhu cầu.


Thứ hai, giá trị pháp lý của sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng

Theo Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/10/2009 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định: “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành thì vẫn có giá trị pháp lý và được cấp đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có yêu cầu”.

Như vậy, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP đã quy định rõ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp trước đây vẫn có giá trị pháp lý và chỉ đổi (không phải cấp lần đầu) sang giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có yêu cầu (không bắt buộc).

Theo Điều 152 Luật Nhà ở cũng quy định rõ về hiệu lực pháp lý của các giấy chứng nhận về quyền sở hữu đối với nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trong các thời kỳ trước đây, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai mà trong nội dung đã ghi nhận về nhà ở được xây dựng trên đất ở đó thì nay vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và không phải đổi lại theo quy định về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Điều 11 của luật này, trừ trường hợp chủ sở hữu nhà ở có nhu cầu cấp đổi sang giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mới”.

Theo quy định trên thì Luật Nhà ở vẫn tiếp tục công nhận hiệu lực pháp lý của các giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trong các thời kỳ trước đây và không bắt buộc người dân phải đổi sang “sổ đỏ”. Nói các khác thì Luật Nhà ở đã thừa nhận giá trị vĩnh viễn của những “sổ trắng”, do vậy Luật Đất đai không thể hạn chế giá trị của các giấy này, (nhất là những loại giấy có thể hiện quyền sở hữu nhà) bởi nhà ở thì phải gắn liền với đất nên Luật Đất đai cũng phải “khớp” với Luật Nhà ở.

Theo quan điểm của chúng tôi, “sổ trắng” là loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp của người tạo lập, được cấp đúng với quy định pháp luật tại thời điểm đó nên không thể phủ nhận giá trị của các loại giấy này. Bởi suy cho cùng thì “sổ trắng” hay “sổ hồng”, “sổ đỏ” đều do các cơ quan thẩm quyền cấp phù hợp với quy định pháp luật của từng thời kỳ, nên phải được thừa nhận giá trị pháp lý như nhau nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Thứ ba, thủ tục cấp đổi sổ trắng, sổ đỏ sang sổ hồng

- Về điều kiện được cấp đổi Giấy chứng nhận

Thủ tục cấp đổi được quy định tại Nghị định số 43/2013/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 15 tháng 05 năm 2014, như sau:

"Việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau: (a) Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (b) Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng; (c) Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất; (d) Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng" (khoản 1 Điều 76).

Như vậy, để được cấp "sổ hồng", có thể làm thủ tục xin cấp đổi sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu mới hiện nay theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 của Nghị định số 43/2013/NĐ-CP như trên.

- Hồ sơ cần chuẩn bị: quý khách phải nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận lên Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Thông tư số 24/2014/TT/BTNMT. Hồ sơ bao gồm: (i)Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK; (ii)Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

- Cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ và trả kết quả: Văn phòng đăng kí đất đai.Trường hợp anh/chị có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

- Thời hạn giải quyết: thời gian thực hiện thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là: không quá 07 ngày.

- Lệ phí cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

Điểm e, khoản 2, Điều 5 Thông tư số 250/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 11 tháng 11 năm 2016 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quy định:

"Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất là khoản thu mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất gồm: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; chứng nhận đăng ký biến động về đất đai; trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính.

Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc sau: Mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh cao hơn mức thu tại các khu vực khác; mức thu đối với tổ chức cao hơn mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân".

Hiện nay Thông tư này không có quy định về mức tối đa được phép thu, nhưng theo quy định của Thông tư số 02/2014/TT-BTC (đã hết hiệu lực), thì mức tối đa được áp dụng là không quá 50.000 đồng.
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp:
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: